Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019
Đăng ngày: (01-07-2020);
Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2020.
 Luật Dân quân tự vệ gồm 8 Chương và 50 Điều quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ, với một số nội dung cơ bản sau:

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính tri, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

Vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ

- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.

- Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.

- Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Các hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ

-  Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trái pháp luật.

- Trốn tránh, chống đối, cản trở việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

- Giả danh Dân quân tự vệ.

- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của Dân quân tự vệ.

- Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ.

Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ

- Chế độ, chính sách đối với dân quân khi làm nhiệm vụ được quy định như sau:

+  Đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế được trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn; được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; được trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

+ Khi làm nhiệm vụ trên biển dược hưởng phụ cấp đặc thù đi biển; khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cu trú,  không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về.

+ Đối với Dân quân biển được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm a khoản 1 điều 34 về chế độ chính sách đối với dân quân khi làm nhiệm vụ; khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn tăng thêm;  truờng hợp là thuyền trưởng, máy trưởng được hưởng phụ cấp trách nhiệm tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển.

+ Đối với dân quân thường trực được hưởng chế độ chính sách quy định tại điểm a khoản 1 điều 34 vé chế độ, chính sách đối với dân quân khi làm nhiệm vụ; được hưởng trợ cấp một lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình; được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.

- Đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật;
đối với tự vệ biển khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng thêm lương, ngạch bậc và tiền ăn tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển.

- Cấp nào quyết định Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ thì cấp đó có trách nhiệm bảo đảm chế độ, chính sách.

- Chính phủ quy định định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ quy định tại Điều 34 về chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ.

Hồ Kỉnh