Giới thiệu

Tổng quan về Đắk Nông

Đắk Nông – Tiềm năng và cơ hội đầu tư
Nằm trên Quốc lộ 14 nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh; Có Quốc lộ 28 nối với Lâm Đồng và Bình Thuận, cửa khẩu quốc gia Buprăng và cửa khẩu Đắk Peur đi Mondulkiri (Campuchia)…tỉnh Đắk Nông được đánh giá là địa phương có vị trí khá thuận lợi để phát triển kinh tế trong tương lai.

Kể từ khi mới thành lập, UBND tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, ưu đãi, cũng như kịp thời bổ sung, điều chỉnh cơ chế kêu gọi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nên bước đầu đã gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp, đóng góp đáng kể vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. 

        Tính lũy kế từ đầu năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có 250 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn hơn 30.903 tỷ đồng, trong đó có 78 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn là 1.042 tỷ đồng, 35 dự án đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản. Riêng trong năm 2008, số dự án đăng ký là 15 dự án với tổng vốn là 1.074 tỷ đồng, hầu hết các dự án này đều đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và đang trong giai đoạn lập thủ tục đầu tư. Đến cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 27,8 triệu USD.

Riêng Khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng đã bước đầu phát huy hiệu quả, sản xuất được nhiều sản phẩm cần thiết cho xã hội như phân vi sinh, gỗ tinh chế, nhiên liệu sinh học, đường, thức ăn gia súc, các loại thực phẩm… giải quyết được hàng nghìn lao động cho địa phương. Đến nay, KCN Tâm Thắng đã thu hút được 34 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án đang hoạt động, 7 dự án đang xây dựng cơ bản và 11 dự án đăng ký đầu tư; với tổng vốn đăng ký gần 927 tỷ đồng và vốn thực hiện trên 511 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy (tính cả các dự án đã đăng ký) là 66,3%.

Hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch để trong thời gian tới làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, cũng như thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư. Tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác với TP.HCM nhằm khai khác tiềm năng thế mạnh của hai địa phương, nhất là tăng cường thu hút các doanh nghiệp TP.HCM tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã có 31 dự án của các doanh nghiệp, đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Đắk Nông với số vốn gần 4.000 tỷ đồng. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa tỉnh Đắk Nông và TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2004 – 2009 vừa được tổ chức tại Gia Nghĩa, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã ký 6 biên bản ghi nhớ hợp tác về một số lĩnh vực dự kiến đầu tư như giáo dục, thương mại, dịch vụ, chế biến nông sản.

        Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, các hoạt động kinh tế đối ngoại còn yếu, thu hút vốn đầu tư FDI chưa đáng kể và quy mô nhỏ bé, hợp tác kinh tế với TP.HCM chưa tương xứng với tiềm năng của hai địa phương. 

        Trong số những tiềm năng kinh tế dồi dào của Đắk Nông phải kể đến tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, trong đó đặc biệt là quặng bô-xít. Quặng bô-xít của Đắk Nông được phân bố ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk G'Long, Đắk R'Lấp và Đắk Song, với trữ lượng dự đoán khoảng 5,4 tỉ tấn, trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỉ tấn, hàm lượng bôxít nhôm đạt từ 35-40%.. Các khoáng sản quý hiếm khác cũng rất đa dạng, như ở khu vực xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có nguồn tài nguyên vàng, đá quí ngọc bích, saphia trắng; trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Chư Jút có volfram, thiếc, antimony; nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét phân bố rải rác trên địa bàn một số huyện; sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp phân bố ở huyện Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa; puzơlan làm nguyên liệu cho xi măng, gạch ceramic; đá bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt, sợi chịu nhiệt….

        Đối với tiềm năng du lịch, trên địa bàn tỉnh có nhiều thắng cảnh thiên nhiên như các thác nước hùng vĩ nằm giữa rừng già như thác Trinh Nữ, thác Đray H'Linh, Đray Sáp, thác Diệu Thanh, thác Gấu, thác Chuông, thác Ngầm (trong lòng núi), thác Liêng Nung, Đắk GLung... Các Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha) và thảo nguyên nhỏ Trảng Ba Cây rộng trên 3 km2 phục vụ du lịch thể thao, cưỡi ngựa, sắn bắn, cắm trại… Đặc biệt, các buôn làng đồng bào dân tộc ít người với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu… phục vụ du lịch văn hóa, nhân văn. 

        Tiềm năng du lịch trên là điều kiện để hình thành các cụm du lịch, tour du lịch của tỉnh Đắk Nông nếu được gắn kết được với các tuyến du lịch phía Nam của tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng và TP.HCM sẽ tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Đắk Nông còn có một số sản phẩm nông, lâm nghiệp có lợi thế như bắp, ca phê, hạt điều, cao su, bông sợi, nguyên liệu giấy… để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp.  

        Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Đắk Nông sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng có tính xúc tác để thu hút các nguồn vốn phát triển công nghiệp như hạ tầng kỹ thuật KCN Tâm Thắng, Cụm công nghiệp (CCN) Nhân Cơ và các khu, cụm CNN khác theo qui hoạch. Trong đó sẽ giải quyết tốt về giao thông, điện, hạ tầng viễn thông đến các điểm sản xuất công nghiệp và KCN.  

        Đầu tư phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với sản xuất và tiêu thụ, giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, giữa nhà máy với người nông dân, tạo thành khối liên minh công - nông vững chắc, nhằm cơ bản chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, từng bước hình thành các doanh nghiệp có cổ phần đóng góp của nông dân.

        Một khi tuyến đường Hồ Chí Minh cơ bản được nâng cấp, mở rộng từ Quốc lộ 14 đi vào hoạt động, một số công trình hạ tầng liên vùng của Tây Nguyên được xây dựng, hợp tác kinh tế giữa 3 nước trong tam giác phát triển được mở rộng… là cơ hội tác động mạnh mẽ đến giao lưu phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Đắk Nông. Nhờ đó mà khả năng thu hút đầu tư sẽ khả quan hơn, thị trường được mở rộng hơn, cơ hội hợp tác đầu tư sẽ nhiều hơn. Khi đó, một trong những phương án phát triển kinh tế được tính đến là tập trung vốn để đầu tư phát triển mạnh hơn các ngành có tiềm năng, lợi thế như chế biến cà phê, cao su, điều, nông, lâm sản chủ lực, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp khai khoáng.
        Trong tầm nhìn phát triển kinh tế của mình, tỉnh Đắk Nông quyết tâm thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút tối đa các dự án đầu tư, nhanh chóng lấp đầy KCN Tâm Thắng, CNN Nhân Cơ và thu hút đầu tư vào các CNN khác. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng để thu hút các các thành phần kinh tế cùng tham gia. Chủ động tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, thông qua tham tán thương mại ở các nước để quảng bá, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Đắk Nông. Đồng thời tổ chức các diễn đàn giới thiệu tiềm năng kêu gọi đầu tư tại các thành phố lớn để thu hút đầu tư trong nước. Tạo mối quan hệ tốt đối với các tổng công ty, các tập đoàn nhằm tranh thủ sự đầu tư vào địa bàn, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh như thủy điện, chế biến nông, lâm sản, khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác quặng bô-xit tuyển Alumin, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh để sau năm 2015 nền kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công - nông - lâm nghiệp và dịch vụ.

File đính kèm:
Các bài viết khác

 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 459
ngày hôm nay 3198
ngày hôm qua 3273
tuần này 14454
tất cả 253467