Doanh nghiệp

Tổ chức, cá nhân hỏi - Cơ quan chức năng trả lời

Kết quả trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần chế biến Nông Sản Việt

Hiện nay trong khu vực thực hiện dự án của Công ty, tình hình xâm canh, lấn chiếm đất rừng đang có những diễn biến hết sức phức tạp, chủ yếu là người dân ở Đăk Wer huyện Đăk R’lấp, Đăk N’Drung huyện Đăk Song, Đăk Rtíh huyện Tuy Đức và một số thuộc thị xã Gia Nghĩa tập trung tại khoảnh 4,5,6,7,8 tiểu khu 1698, diện tích tranh chấp khoảng trên 200 ha. Khu vực trên nằm trong diện tích quy hoạch quản lý bảo vệ rừng của Công ty. Các hộ dân ồ ạt vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng, theo kết quả xác minh của đoàn liên ngành thì hiện nay tại tiểu khu 1698 thuộc lâm phận Công ty quản lý có 98 hộ dân đang xâm canh lấn chiếm trên 86,2 ha; trong đó người dân huyện Đăk R’Lấp là 56 hộ, Tuy Đức 19 hộ, Đăk Song 17 hộ, Gia nghĩa 05 hộ. Công ty đã tăng cường công tác quản lý bảo vệ khu vực trên, đồng thời tuyên truyền vận động các hộ dân không được vào để xâm canh. Có thời điểm các hộ dân nêu trên đi làm với số lượng đông và chống trả lại lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Công ty đã nhiều lần phải nhờ sự hỗ trợ can thiệp của lực lượng của các cơ quan chức năng.

- Kiến nghị 1: Đề nghị sớm thẩm định dự án điều chỉnh đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty.

Trả lời kiến nghị 1: Vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có Công văn số 1838/SNN-LN ngày 23/12/2015, hướng dẫn cho Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến Nông Sản việt điều chỉnh dự án đầu tư của đơn vị, trong đó yêu cầu đơn vị phải lập phương án giải quyết đất xâm canh, lấn chiếm của người dân trong khu vực dự án trình UBND huyện Đắk Song phê duyệt trước khi đưa vào điều chỉnh dự án đầu tư. Tuy nhiên, đến nay đơn vị chưa thống nhất được phương án giải quyết đất người dân xâm canh, lấn chiếm trong khu vực dự án, do đó chưa xác định được chính xác số liệu cụ thể để đưa vào điều chỉnh dự án.

Từ nội dung trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có cơ sở xem xét việc xin thẩm định dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp điều chỉnh của Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến Nông Sản việt, đề nghị doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư theo hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1838/SNN-LN ngày 23/12/2015 nêu trên.

Trong quá trình điều chỉnh dự án đầu tư cần xác định rõ quy mô, diện tích đưa vào xây dựng dự án; đối với diện tích đất xâm canh, lấn chiếm của người dân chưa giải quyết được, đề nghị bóc tách đưa ra khỏi dự án tránh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện khi triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến Nông Sản việt phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ đối với diện tích rừng thực hiện còn, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trên diện tích được giao quản lý.

- Kiến nghị 2: Đề nghị hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế giải tỏa đối với diện tích rừng bị phá lấn chiếm tại Công ty.

Trả lời kiến nghị 2: Vấn đề này, UBND huyện Đắk Song trả lời như sau:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông tại nội dung Công văn số 638/UBND-NN, ngày 05/3/2014; UBND huyện đã thành lập Tổ Liên ngành bao gồm các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Trường Xuân để thực hiện kiểm tra, rà soát tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật tại dự án của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt, làm cơ sở thực hiện việc cưỡng chế. Kết quả đã kiểm tra, xác minh và lập hoàn chỉnh 98 hồ sơ vi phạm đối với 96 hộ gia đình về hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật với tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm là 862.467m2  (tại thời điểm tháng 10/2014). Các hô gia đình lấn, chiếm đất rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tại chỗ bao gồm: dân tộc Kinh 01 hộ, dân tộc Êđê 05 hộ, dân tộc M’Nông 90 hộ. Trong 96 hộ gia đình có 05 hộ gia đình địa chỉ tại thị xã Gia Nghĩa, 16 hộ gia đình đại chỉ tại huyện Đắk Song, 19 hộ gia đình địa chỉ tai huyện Tuy Đức, 56 hộ gia đình địa chỉ tại huyện Đăk R’lấp.

Sau khi có kết quả kiểm tra, rà soát vào ngày 02/4/2015, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp để bàn hướng giải quyết đối với các hộ gia đình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật tại dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt. Tại cuộc họp, các thành phần tham dự đã thống nhất thực hiện cưỡng chế đối với các hộ gia đình cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật. Giao Hạt Kiểm lâm xây dựng hoàn chỉnh phương án cưỡng chế, tham mưu UBND huyện Đắk Song trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Do các đối tượng vi phạm thuộc nhiều địa bàn huyện (thị xã) khác nhau nên Hạt kiểm lâm các huyện (thị xã) để xác minh nhân thân; xác minh về đất ở, đất sản xuất của các đối tượng. Sau khi xác minh, tổng số biên bản vi phạm hành chính xác định được đối tượng vi phạm là 75 biên bản với tổng diện tích là 64,774ha. Trong đó:

- Địa bàn thị xã Gia Nghĩa: 05 hộ/3,296ha;

- Địa bàn huyện Đắk R’Lấp: 48 hộ/43,704ha;

- Địa bàn huyện Tuy Đức: 08 hộ/17,553ha;

- Địa bàn huyện Đắk Song: 14 hộ/21,701ha.

Tổng số biên bản vi pham hành chính không xác định được đối tượng vi phạm là 23 biên bản với tổng diện tích bị lấn, chiếm là 21,480ha.

UBND huyện ban hành thông báo tìm chủ sử dụng diện tích đất lấn, chiếm và viết giấy báo gọi; tham mưu dự thảo quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo quyết định cưỡng chế; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ cho Sở Tư pháp để thẩm định tính pháp lý và đã được Sở Tư pháp cho  ý kiến tại nội dung Công văn số 149/STP-QL&TDTHPL ngày 08/4/2016. Hiện tại Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song đang chỉnh sửa các hồ sơ liên quan theo ý kiến của Sở Tư pháp.

- Kiến nghị 3: Đề nghị tăng cường công tác tuần tra kiểm tra, phối hợp với chủ rừng trong việc xử lý, ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Trả lời kiến nghị 3: Vấn đề này, UBND huyện Đắk Song trả lời như sau:

Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt (trước đây là công ty Cổ phần Green Gaden Trường Xuân) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 898,1 ha đất để thực hiện Dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp theo nội dung Quyết định số 836/QĐ-UBND ngày 29/5/2009. Trong quá trình quản lý bảo vệ rừng của Công ty. Sau khi tiếp nhận dự án, tính từ năm 2010 đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Song đã xử lý 29 vụ vi phạm, trong đó:

- Phá rừng: 20 vụ/17,6855ha;

- Khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép: 09 vụ;

- Tang vật, phương tiện tịch thu:14,563m3 gỗ các loại, 100 trụ gỗ, 160 tấn kè, 04 cưa máy, 07 tang vật khác và 2,8 ster củi.

 Các vụ vi phạm mà Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt báo cáo; UBND huyện đã chỉ đạo hạt kiểm lâm, Công an huyện tổ chức phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh và lập biên bản xử lý theo quy định pháp luật. UBND huyện thành lập các tổ liên ngành, tăng cường Đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị 12/TTg (đoàn của huyện, của xã Trường Xuân) tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, chốt chặn 24/24 giờ để hỗ trợ Công ty trong công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Nông Sản Việt đã giảm nhiều, đặc biệt là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Trước thực trạng số hộ vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng lớn (96 hộ vi phạm với diện tích đất rừng bi lấn, chiếm là 862.467m2) và các gia đình vi phạm đều là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, thường trú tại 04 địa bàn huyện (thị) trong tỉnh nên việc giao cho UBND huyện Đắk Song lập phương án và triển khai thực hiện cưỡng chế gặp nhiều khó khăn và khó khả thi. Vì vậy, UBND huyện Đắk Song đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị 12/TTg (đoàn của tỉnh Đắk Nông) chủ trì và phối hợp với UBND các huyện (thị) liên quan lập phương án và triển khai thực hiện cưỡng chế để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi.

Đức Toàn – TTXTĐT

File đính kèm:
Các bài viết khác

 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 464
ngày hôm nay 3300
ngày hôm qua 3273
tuần này 14556
tất cả 253569